"Bố con cá gai"


“Cá gai là một loài cá kì lạ. Cá gai mẹ sau khi đẻ trứng thì bỏ đi đâu mất. Cứ như thể những quả trứng đó có ra sao cũng không liên quan gì đến nó vậy. Rốt cuộc chỉ còn lại cá gai bố chăm sóc lứa trứng. Cá gai bố sẽ liều mình chiến đấu với các loài cá khác nếu chúng định ăn mất trứng. Rồi trứng vỡ ra, đám cá con lớn nhanh như thổi.

Và cuối cùng đám cá gai con lại bỏ rơi cá gai bố, cứ thế đi theo con đường riêng của chúng. Sau khi cá gai con bỏ đi hết, còn lại một mình, cá gai bố liền đâm đầu vào giữa khe đá mà chết.

“Ôi, bố cá gai của tôi. Bố cá gai ngốc của tôi!”

Chỉ với đoạn trích ngắn này, chắc hẳn người đọc đã hình dung ra được nội dung cuốn sách và ý nghĩa của cái tên “Bố con cá gai”.  Quả thật, Hàn Quốc chưa bao giờ làm mình thất vọng với khả năng xây dựng các câu chuyện, bộ phim về tình cảm gia đình sâu sắc, và “Bố con cá gai” không phải ngoại lệ. Một câu chuyện đan xen giữa suy nghĩ, hành động, câu chuyện của hai nhân vật, người bố-  Jeong Ho Yeon- nhưng cũng đã từng là một người con sinh ra và lớn lên với một tuổi thơ quá nhiều nhọc nhằn và tủi hổ và người con- Jeong Daum- một cậu bé 10 tuổi sống một cuộc sống khá bất hạnh, khi mẹ bỏ đi để theo đuổi ước mơ và mang trong mình căn bệnh máu trắng.  Xuyên suốt mạch câu chuyện là tiến trình chiến đấu với bệnh tật của người con, nhưng có thể thấy rõ tình cảm thiêng liêng, cao cả nhưng thầm lặng từ người bố là một trong những nguyên nhân khiến cậu bé khỏi bệnh. 

Nói về nhân vật người bố trước nhé! Jeong Ho Yeon- một con người bất hạnh toàn tập, ánh sáng duy nhất của cuộc đời anh nằm ở đứa con; niềm vui và nỗi buồn của anh biến đổi nhanh chóng theo tình hình bệnh tật và cảm xúc của người con. Lớn lên trong cô nhi viện với một tuổi thơ u ám, có một tài năng và niềm đam mê mãnh liệt với thơ ca, nhưng Jeong Ho Yeon lại từ bỏ ước mơ để có một công việc với thu nhập ổn định về người vợ và gia đình, tưởng chừng cuộc sống sẽ trở nên hạnh phúc hơn, nhưng không, số phận anh anh là để khổ, để bất hạnh,.... người vợ anh yêu thương nhất đã đặt ước mơ và khát vọng của bản thân quan trọng hơn gia đình, bỏ sang Pháp cùng người đàn ông khác, giao lại quyền nuôi con cho anh, biến anh trở thành một “gà trống nuôi con”. Không những vậy, đứa con anh yêu mến nhất trên trần đời này, đứa con hiểu chuyện và khôn ngoan hơn thảy những đứa trẻ khác lại đang chịu đau đớn, gồng mình lên mỗi ngày để chiến đấu với căn bệnh máu trắng. Để kiếm tiền trang trải chữa bệnh cho con, anh đã không màn hi sinh những gì được cho là “lòng tự tôn, tự trọng nghề nghiệp” và khi biết được con có thể được cứu sống nhờ vào có người hiến tủy, anh đã quyết định nhanh chóng việc bán đi cơ quan nội tạng (cụ thể là con mắt) để đủ tiền chữa trị cho con. Không chỉ thể hiện tình yêu bằng việc cung cấp đầy đủ vật chất, sự kiên nhẫn và đồng hành của anh trong tiến trình chữa bệnh đã lay động trái tim của tất cả các y bác sĩ và những người quen biết anh. Chỉ cần có tia hi vọng, anh sẽ vội lao vào để giành giật sự sống của đứa con trai với thần chết.

Vậy nhân vật người con- Jeong Daum thì sao nhỉ? Một cậu bé mạnh mẽ nhất trần đời và cũng là một đứa con trai yêu bố hơn bất cứ ai. Daum rất ngoan, rất thông minh và đặc biệt đáng yêu. Daum chịu tiêm chuyên nghiệp, Daum ít khóc nhè, Daum thích xếp hình tàu cướp biển, Daum thích truyện Bảy viên ngọc rồng và thích bạn Eun Mi. Nhưng mà em bé đáng thương lắm, tình yêu bố và sự mạnh mẽ của em như muốn xé nát tấm lòng của người đọc. “Bác sĩ ơi phải đau thêm bao nhiêu lần thì mới chết được ạ”. Câu trả lời thế nào mới có thể xoa dịu câu hỏi này đây. May mắn thay  sau tất cả những nỗ lực, Daum đã chiến thắng bệnh tật. 

Tưởng chừng có thể sống hạnh phúc với bố, cùng đi học, đi nhà thờ cầu nguyện, tạo ra các bức điêu khắc tuyệt vời, tuy nhiên cái giá để đánh đổi điều này thật sự quá đắt. Như để “mạng đổi mạng”, bố cá gai của Daum sau khi kéo đứa con của mình từ cõi chết trở về đã phải thay thế vào vị trí đó, anh bị chẩn đoán ung thư gan giai đoạn cuối. Bất lực, đau khổ tột cùng, anh phải trao đứa con mình đã nâng niu bấy lâu về bên người mẹ từng rời bỏ nó, không một lời từ biệt hay giải thích. Rồi sau đó, cô đơn nhắm mắt từ giã cõi đời. Khung cảnh chia tay Daum trước khi cậu bé sang Pháp là một điểm nhấn nổi bật của câu chuyện, khi người bố cố thể hiện sự lạnh lùng, tàn nhẫn để đứa con tưởng rằng người bố cậu bé hết sức yêu thương đã có hạnh phúc mới và không cần cậu bé. Để rồi khi cậu bé quay lưng đi, người bố quỵ xuống, nước mắt không ngừng rơi và miệng không ngừng gọi tên cậu bé. Không biết sau khi đi với người mẹ quay lại nhận cậu chỉ vì phát hiện ra cậu bé có tài năng hội họa, Daum có hạnh phúc không, không biết sau này khi lớn lên cậu bé có tìm về, đứng trước mộ cha, khóc thét khi biết được tấm chân tình và sự hi sinh của ông bố cá gai này không? Những câu hỏi này sẽ khiến người đọc canh cánh trong lòng. 

.........."Khi đã để lại đứa con trên cuộc đời này, thì dù có phải chết đi, cũng không phải là chết đâu".

 Duyenntn

Saturday, 26 November, 2022

 



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[IELTS]- Yêu lại từ đầu

"Những tấm lòng cao cả"