[IELTS]- Yêu lại từ đầu


Bài chia sẻ “hơi dài dòng” này sẽ dành cho các bạn đang thực sự muốn học Tiếng Anh- và đặc biệt là những bạn đang có hứng thú hoặc bị ép buộc phải có chứng chỉ IELTS. Mình chia sẻ dựa vào kinh nghiệm học tập của chính bản thân, cũng là kinh nghiệm xây dựng chương trình luyện thi, và cũng giúp được kha khá các bạn sinh viên tiến bộ sau một khoảng thời gian “ăn dầm nằm dề” để theo đuổi “crush” IELTS này. Nhắc đến việc học, không có phương pháp nào được gọi là đúng hay sai, không có bất kì tài liệu nào được đánh giá là hay hay dở, mà sẽ chính do các bạn quyết định, chọn lọc để thực sự kỷ luật với bản thân, thì mình chắc chắn, việc học Tiếng anh nó không còn là chông gai mà sẽ là 1 niềm vui, hay thậm chí có thể trở thành một thói quen bạn thực hành hằng ngày. 

Vậy, đầu tiên, IELTS là gì nhỉ? Ngắn gọn nhất thì IELTS là chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế (đóng 4.750.000 vnd cho 1 lần dự thi, thời hạn giá trị bằng 2 năm) được công nhận hầu hết các quốc gia, đặc biệt cho những bạn muốn theo đuổi các mục đích xin học bổng du học, làm việc tại công ty nước ngoài hay đơn giản nếu bạn muốn học Tiếng Anh thuần thục lâu dài, bạn cũng có thể học IELTS trước. Với hệ thống thi 4 kỹ năng, IELTS tập hợp hết các yếu tố cần để đánh giá về trình độ ngôn ngữ của bạn. Trung bình chung, để được đánh giá là có khả năng sử dụng Tiếng anh giao tiếp thường ngày và đọc hiểu tài liệu nước ngoài, đòi hỏi bạn sẽ phải đạt được IELTS tối thiểu 5.5. 

Vậy mình sẽ giúp các bạn xây lộ trình nhé! Thống nhất trước nè, các bạn mà chưa có nền tảng về tiếng anh hãy đọc mỗi mục 1 trước nhé, đọc và thực hành đã rồi hẳn đọc tiếp các mục khác. Các bạn có nền tảng, vận dụng được các kỹ năng Tiếng Anh, chỉ có đều chưa được học về IELTS có thể đọc từ mục 2 để tiết kiệm thời gian. Trường hợp “lưng chừng”, cũng xin mời quay về mục 1 luôn. 

Mà trước tiên, 

Mục 0:  Xác định mục tiêu 

- Trước hết, ngồi lại, xác định giùm cái mục tiêu: Tại sao tôi muốn học Tiếng Anh?, mà vẫn rộng quá, (bài này về IELTS mà), tại sao tôi lại muốn học IELTS? Vì bắt buộc phải học? Vì thích? Vì muốn có cơ hội hơn trong tương lai? (Hơi mù mờ). Vậy đây sẽ là nhiệm vụ của các bạn, làm bài test thử xem trình độ hiện giờ của mình ra sao, rồi ngồi lại, xác định lại mục tiêu cụ thể cho việc học ngôn ngữ này của mình, và liên tục đặt câu hỏi: Tại sao muốn học, thời gian bao lâu, muốn đạt được bao nhiêu chấm, ngày dành ra được bao nhiêu thời gian,… Khi bạn đã rõ ràng từng đường đi nước bước rồi, thì công đoạn triển khai sẽ dần rõ ràng và dễ dàng hơn rất nhiều. 

- Có thể mình khác với các bạn, và các bạn học trò của mình- học Ielts là “bắt buộc”, mình từng dở tiếng Anh kinh khủng, từng ghét nó kinh khủng, và nhờ vào sự “bắt buộc” này, mình đã dần trở nên yêu thích nó, giờ thành yêu da diết luôn, nghe lạ quá đúng không? Mình cũng hay nói với học trò mình: “Muốn học được IELTS, các em hãy tập yêu nó đi, yêu da diết, sâu đậm vào, ngày nào cũng vờn, cũng chơi, cũng sàn tới sàn lui trước mặt nó, riết nó cũng chịu thua à. Còn không được, thì ghét nó vào, ghét cay ghét đắng vào, ghét mà theo kiểu nhất định phải học được nó cho bằng được cho đỡ tức, biết đâu được “Ghét của nào trời trao của đó”. 

Mục 1: “Đập đi xây lại” (nói văn thơ một xíu là bước Xây dựng nền tảng): IELTS 0- 3.5

Ở giai đoạn này, có thể bạn bị mất gốc tiếng Anh hoàn toàn, hoặc có nền tảng nhưng không vững, mắc nhiều lỗi sai về phát âm, ngữ pháp. Khi bắt đầu học tiếng Anh, hãy xác định ngôn ngữ không phải là sự học máy móc hay dùng để khoanh vào các câu hỏi trắc nghiệm, mà đó sẽ là sự vận dụng, kết hợp và thực hành. 

Thời gian cho giai đoạn này là 3- 4 tháng (1:30- 2h/ 1 ngày). Bạn thực hiện bổ sung kiến thức tiếng Anh và làm quen với đề thi IELTS cụ thể:

Ngữ pháp: ôn lại các thì cơ bản của tiếng Anh, cấu trúc câu và sự hòa hợp giữa chủ ngữ và động từ, không học vẹt, vừa học lí thuyết vừa thực hành ngay bằng cách viết hoặc nói thành câu hoàn chỉnh.

Từ vựng: Nguyên tắc học từ vựng: Đừng bao giờ học một cách riêng lẻ từng từ, đầu tiên hãy học theo các bộ chủ đề, bắt đầu từ những gì đơn giản nhất, bắt gặp hằng ngày: Gia đình, Bạn bè, Ngôi nhà, Trường lớp,… Khi học từ, hãy luôn đặt câu với từ đó, học thêm các cụm đi kèm, vừa học từ vừa học viết và nói ra. 

Luyện nghe: Đây là kỹ năng cực kì quan trọng trong giai đoạn này, bạn cần luyện cho tai bạn quen với tiếng Anh, hãy tập nghe từ các đoạn hội thoại tiếng anh ngắn về chủ đề từ vựng mà bạn đang học, nghe và chép lại, để khỏi bị nản bạn nên kết hợp thêm giữa việc bắt buộc nghe để học và các hình thức giải trí như xem phim, nghe hài, các chương trình truyền hình về thể thao, đồ ăn, du lịch,… Hãy cứ nghe có phụ đề trước, rồi tắt phụ đề, nghe và lặp lại. 

Luyện nói: Giai đoạn này hãy luyện phát âm. Trước tiên là chuẩn từng âm, hãy tập đọc lại bảng chữ cái, các âm trong tiếng anh, các từ đơn lẻ, và lặp lại theo từ điển hoặc nội dung cuộc hội thoại. Sau đó hãy ghi âm và tự kiểm tra mình có mắc lỗi phát âm nào không.

Ngoài ra, hãy tự tạo 1 list các câu hỏi về các chủ đề thường ngày, luyện tập đặt và trả lời câu hỏi theo câu đầy đủ, đúng cấu trúc ngữ pháp. Để được như vậy, hãy soạn các câu trả lời ra trước, nhờ người có kinh nghiệm kiểm tra và luyện tập. 

Tóm lại, mình tin rằng với IELTS thì 20% là kĩ thuật và 80% là nền tảng tiếng Anh căn bản, nên thiếu cái gì thì bổ sung cái đấy. Các bạn hãy biết kết hợp các kỹ năng lại với nhau, vừa luyện viết vừa nói, vừa nghe vừa đọc, vừa nghe vừa lặp lại, và quan trọng là hãy chia chủ đề ra, ví dụ: Trong tuần này tôi sẽ luyện tập về chủ đề Family, vậy tôi sẽ (1) Học các từ vựng về gia đình (thành viên, các tính từ miêu tả về tính cách và ngoại hình thành viên, hoạt động gia đình, tình cảm), (2) Nghe và luyện tập nói về các đoạn hội thoại gia đình, (3) Đọc và viết cũng sẽ liên quan đến các chủ đề gia đình,… Với sự lặp đi lặp lại một chủ đề và kết hợp hết các kỹ năng, bạn sẽ có thể linh hoạt để sử dụng chúng sau này. 

Mục 2: “Bắt đầu crush”- IELTS 3.5- 5.5

Ở giai đoạn này, sau khi đã yêu Tiếng Anh hơn chút và lấy lại được chút căn bản, bạn đã có nền tảng, có thể nói được một số câu giao tiếp cơ bản cũng như nghe loáng thoáng được các video tiếng Anh. Bạn cần làm gì để bước đến 5.5? 

Bạn hãy tìm hiểu về cấu trúc của bài thi IELTS và tìm hiểu về chiến lược làm bài cho từng dạng. Sau đó, dành thời gian để làm quen với từng dạng đề trong 4 phần thi.

Listening: Bắt đầu từ luyện nghe Đánh vần Tên và Số (nhỏ nhưng rất có võ trong đề thi Ielts Listening). Tiếp theo luyện tập các dạng câu hỏi, ví dụ như: Điền thông tin vào một Form đăng kí, chọn trắc nghiệm, điền thông tin vào bài thuyết trình,… Bạn cần phải nắm hết tất cả các dạng bài thường hay ra trong đề, chia theo từng bước làm: 

(1) Đọc kĩ yêu cầu đề bài và xác định từ khóa, xác định loại từ cần điền hoặc nội dung có thể xuất hiện trong bài.

(2) Nghe, làm bài.Trong khi ôn luyện ở giai đoạn này, hãy chọn các bài nghe ngắn chứa thông tin của dạng bài yêu cầu thôi. Đừng cố gắng nghe full một đề làm gì vì sẽ dễ khiến các bạn bị nản.

(3) Kiểm tra đáp án, đọc lại script để phần tích lỗi sai. 

(4) Nghe lại, nghe lại, nghe lại. Bắt buộc phải nghe lại từ 2 đến 3 lần. Trong quá trình nghe lại, take note các từ mới và các cụm từ đồng nghĩa để học. 

Lưu ý: Không được tham, nghe quá nhiều bài, nên nghe và phân tích kỹ 1 đề để xem cách đề bố trí câu hỏi, các mẹo bẫy, và học các cụm từ vựng (các chủ đề hội thoại của IELTS Listening rất thực tế và dễ áp dụng vào Speaking)

Reading: Tương tự như Listening, Đề Reading cũng được chia thành các dạng câu hỏi với 2 kỹ năng chính là Scanning và Skimming (đọc lướt lấy thông tin chung và thông tin chi tiết). Bạn cũng nên tìm các Bài đọc ngắn trước để đọc, các trình tự làm bài cũng như Listening nhưng chú ý đến các tác giả dùng các cụm từ đồng nghĩa trong câu hỏi và trong bài đọc, cố gắng viết hết các cụm đó ra và học thuộc. Ngoài ra, Đọc thật nhiều tài liệu tiếng Anh với những chủ đề bạn quan tâm. Đó có thể là một bài báo, một tạp chí thời trang, bản tin tức nước ngoài hoặc đơn giản chỉ là một mẩu truyện ngắn hài hước. Nên sử dụng từ điển, take note và cố gắng hiểu hết đoạn văn.

Speaking: Speaking trong IELTS sẽ gồm 3 phần: 

Part 1: Phần này gồm các câu hỏi ngắn về bản thân, gia đình, công việc hiện tại, sở thích… 

Part 2: Part 2 giám khảo sẽ cho thí sinh một topic bất kì và thí sinh có một phút để suy nghĩ. Sau đó thí sinh có 2 phút để nói về topic đó. 

Part 3: Ở phần này giám khảo sẽ đưa ra các câu hỏi mang tính chất thảo luận xã hội liên quan đến chủ đề ở part 2.

Vậy để luyện tập Speaking, bắt buộc bạn phải bổ sung một lượng lớn các kiến thức về từ vựng, kiến thức xã hội, kĩ năng nghe hiểu và phản xạ. Hãy chia các chủ đề ra : Part 1 (Hometown, Family, Friends, House,….) Part 2 (Miêu tả People, Object, Event,…) Part 3 (Thảo luận các câu hỏi về trình bày ý kiến, so sánh, đưa ví dụ,… cho 1 vấn đề xã hội). Nên luyện tập theo các chủ đề lớn như vậy để có sự lặp đi lặp lại, ghi âm và chỉnh sửa phát âm, ý tưởng, cách để kéo dài câu trả lời.

Writing: Để làm tốt phần writing, bạn nên tham khảo các dạng đề phải học & ví dụ của mỗi dạng đề Task 1 & 2. Cùng với các topic chắc chắn sẽ ra trong Writing Task 1 & 2 IELTS. Một số dạng IELTS WRITING task 1 bao gồm các dạng biểu đồ, bản đồ, quy trình sản xuất. Phần này có thể sẽ gây khó khăn cho nhiều bạn chưa biết cách phân tích. Vậy các bạn nên tham khảo trước cấu trúc 1 bài văn, các phân tích thông tin từ biểu đồ và các từ vựng đi kèm. Nên tập trung vào việc sửa lỗi ngữ pháp cũng như lỗi dùng từ. Nếu bạn vẫn còn mắc nhiều lỗi trong bài viết, hãy tập trung vào việc sửa lỗi. Hạn chế sử dụng những từ vựng khó nếu như bài viết bạn còn mắc nhiều lỗi cơ bản như vậy. Còn về Task 2, bạn sẽ phải viết một bài văn nghị luận về một chủ đề xã hội, cũng tương tự như Task 1, bạn nắm được cách viết cụ thể cho từng dạng, nắm rõ cách viết mở bài và kết bài, các từ nối và các từ vựng thể hiện quan điểm. Đọc thêm nhiều tài liệu để nắm ý tưởng. Trong quá trình luyện viết, cố gắng kết hợp các dạng câu đơn, ghép và câu phức, hạn chế sử dụng những từ vựng hay cấu trúc quá khó và mình không chắc chắn về nghĩa. Kĩ năng Writing được đánh giá là kĩ năng khó nhất khi làm bài IELTS, nên có thể tốn rất nhiều của bạn. 

Kết luận: ở giai đoạn này, các bạn đừng nên bay vào giải full đề, hãy tìm hiểu kỹ cách làm cho từng dạng bài cụ thể, nắm các chiến lược làm bài và học từ vựng để nâng cao các kỹ năng của mình hơn. Đối với 2 kỹ năng Writing và Speaking, tốt hơn bạn nên tìm người đồng hành có kinh nghiệm để có thể luyện tập cùng. 

Mục 3: “Tổng tấn công”- IELTS 5.5- 6.5

Listening and Reading

Khi bạn đã tiến vào giai đoạn này rồi, vậy hãy dành nhiều thời gian để tập trung vào giải đề nhé! Bạn sẽ bắt tay vào việc giải một đề thi hoàn chỉnh và làm quen với áp lực thời gian lúc giải đề.

Bạn nên tập trung học bộ sách “Cambridge Practice Test for IELTS”. Vì những cuốn trước chưa được cập nhật so với đề thi thật hiện tại nên các bạn chỉ cần làm từ quyển 8. 

Hãy giải đề theo các bước: (1) Canh thời gian để giải đề hoàn chỉnh, (2) Check đáp án, gạch chân các cụm từ đồng nghĩa, nghe và đọc lại để hiểu rõ về các câu mà các bạn làm sai. Đối với những đáp án bạn làm sai, hãy cố gắng khắc phục những lỗi thường xuyên mắc phải, có nhiều bạn khi ôn luyện IELTS hay gặp vấn đề khi nghe số trong bài thi IELTS Listening. 

Writing

Ở giai đoạn chuẩn bị trước khi thi, các bạn nên tiếp tục luyện thật nhiều đề để viết, có thể xem các bài mẫu tham khảo để cải thiện bài viết của mình.

Đặc biệt đối với đề Task 2, để đạt được band điểm cao, các bạn cần phát triển càng nhiều ý tưởng càng tốt, nội dung viết cũng phải sâu hơn, “chất” hơn, đặc biệt vốn từ vựng cũng phải đủ rộng và đủ phong phú.

Speaking

Luyện tập các đề trong Forecast quý gần nhất (có thể luyện tập theo từng part hoặc từng topic). Chú ý sử dụng thêm các cụm từ, thành ngữ để nâng điểm và tập trung vào luyện tập trả lời câu trôi chảy. 

Một số tài liệu các bạn có thể tham khảo trong quá trình ôn luyện:

Giai đoạn: Links Test trình độ

  • Ielts buddy:https://www.ieltsbuddy.com/

  • Ielts Exam: https://www.ielts-exam.net/

  • Take Ielts: https://takeielts.britishcouncil.org/take-ielts/prepare/free-ielts-practice-tests

Giai đoạn 1:

- Ngữ pháp: Essential Grammar in Use with Answers, Grammar in Use – Raymond Murphy, Great Writing Foundation.

- Từ vựng: 30 Days to A More Powerful Vocabulary, Oxford Word Skills Basic, Mindset for Ielts Foundation,… 

- Từ điển Cambridge, app check ngữ pháp Grammarly

Giai đoạn 2: 

- Get Ready for IELTS 4 kỹ năng

- Collins IELTS 4 kỹ năng

- Complete IELTS

- Basic IELTS

- Bài tập trên trang web: ieltsmaterials, ielts_up, miniielts,…

Giai đoạn 3:  Chọn lọc các sách Giải đề:

- Cambridge Practice Test for IELTS cuốn 8-16

- The Official Cambridge Guide to IELTS

- Road to IELTS

Kết luận: Thật sự để diễn tả một lộ trình học đầy đủ từ bắt đầu đến một mục tiêu điểm cụ thể nào đó trong kiểm tra IELTS chỉ trong một bài viết là rất khó, nhưng mình hi vọng rằng, đây là lộ trình ôn của cá nhân mình, những kinh nghiệm và các bước thực hiện để mình và chính các học trò của mình tiến bộ lên từng ngày, hi vọng cũng sẽ hữu ích với chính các bạn. 

Việc học Tiếng Anh đòi hỏi một sự kiên trì và kỉ luật nhất định, bạn không thể đòi hỏi bản thân trở nên giỏi trong ngôn ngữ này nếu không thật sự nỗ lực. Như mình đã nói, không có phương pháp nào là đúng hay sai, nhanh hay chậm, mà tùy thuộc hoàn toàn vào mục tiêu, sự kỉ luật và kiên trì của các bạn. Mình thấy các bạn “like” và tham gia rất nhiều các group học tập tiếng Anh trên facebook, bạn đã từng có ý định học Tiếng Anh, bạn đã từng có ý định ôn thi IELTS, vậy từ lúc ‘like’ đến giờ bạn đã thật sự vạch lên lộ trình để thực hiện chưa. Vậy ngay bây giờ, nếu ý nghĩ muốn học đó vẫn còn xuất hiện hiện, hãy ngồi lại và làm theo các bước như mình hướng dẫn nhé. Trên chặng đường học tập, chỉ cần mình không dừng lại, chỉ cần mình bước đi, lăn lê bò trườn, nhanh hay chậm cũng không sao, là bạn đã tiến bộ so với mình của ngày hôm qua rồi. 

Là một Giáo viên, mình đã chứng kiến biết bao trường hợp các bạn điểm xuất phát bằng “0”, cố gắng nỗ lực và có được IELTS 5.5 trong thời gian rất ngắn, và cũng có những trường hợp, đầu vào các bạn đã 5.0, nhưng trải qua một thời gian học tập hời hợt, không chủ động, không kỷ luật, không hề tiến bộ thêm dù chỉ 0.5, vậy theo các bạn, nguyên nhân là gì? Là ở các bạn hết đúng không? Hi vọng bài viết này gợi ở bạn ít nhất là một chút động lực và mong muốn để học thêm 1 ngôn ngữ hay chí ít cũng học thêm 1 kiến thức nào đó. Thời gian trôi nhanh như gió ngoài đồng, bạn có tận dụng khoảng thời gian qua hiệu quả chưa? Nếu chưa, bây giờ, ngay bây giờ, làm đi nhé!

Good luck to all of you!






Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

"Bố con cá gai"

"Những tấm lòng cao cả"