"Túp lều bác Tom"


“Tự do, đó là quyền được làm người, và không phải là con vật; quyền được gọi người phụ nữ mà anh yêu là vợ mình, được che chở người ấy chống lại mọi bạo lực bất hợp pháp; quyền được che chở và dạy dỗ con mình, quyền được có một gia đình, một tôn giáo, có nhân phẩm mà không bị một người khác xâm phạm.“

Sinh ra và lớn lên trong một bối cảnh yên bình, không chiến tranh, không phân biệt chủng tộc, giai cấp, tôi dường như đã nhận được đầy đủ các quyền lợi của một công dân. Tôi cũng vô tình xem cuộc sống yên bình đó là một điều dĩ nhiên, bình thường. Và rồi mới đây, sau khi vô tình đọc qua một bài review ngắn về tác phẩm “Túp lều bác Tom”- một bản ca bi tráng về chế độ nô lệ lấy bối cảnh ở Ohio (Mỹ) những năm giữa thế kỉ XIX, tôi nhanh chóng bị cuốn hút bởi câu chuyện chân thực của những nô lệ da đen lầm than bị mua bán và đối xử không khác gì những món hàng. 

Nổi bật trong tác phẩm này là hình ảnh cuộc đời bác Tom- một nô lệ hiền lành, lương thiện nhưng có một cuộc sống tủi nhục đau khổ, và cuối cùng cái chết của bác như một lời cảnh tỉnh cho các địa chủ cũng như những người nô lệ hằng ngày đối mặt với sự bóc lột tàn bạo. Ngoài bác Tom ra, tác phẩm còn khắc họa lên nhiều hình ảnh nhân vật nô lệ khác với nhiều cách phản ứng với số phận: người thì chấp nhận, cố gắng hết mình để chu toàn nghĩa vụ của một nô lệ, người thì vùng lên, tìm cách chạy trốn tìm cuộc sống mới, người lại trở nên tha hóa, trở nên xấu xa,.... Mỗi người mỗi phản ứng, nhưng suy cho cùng, họ khổ quá! Khổ từ lúc sinh ra, nhiều lúc tôi nghĩ nếu được chọn lựa có được sinh ra trên cõi đời này không, chắc chắn câu họ sẽ không lựa chọn sinh ra với một màu da như vậy, với một cấp bậc dưới đáy xã hội như vậy. Ở xã hội đó, các nô lệ da đen không được xem là con người, họ làm việc như các loài gia súc, gia cầm, và bị mua bán, trả giá như một món hàng hóa bên đường. Dù vô tình hay cố ý, các chủ nô của họ (dù bản tính có tốt lành đến đâu đi chăng nữa) cũng vẫn không xem họ là những con người có đầy đủ tình cảm cảm xúc. Tác phẩm như một bản cáo trạng dành cho chế độ nô lệ thời bấy giờ, những chủ nô, những con buôn, những người vô tình hay gián tiếp gây ra những bất hạnh ám ảnh cho các nô lệ, những người đầy đủ vật chất nhưng không đủ tư duy để ý thức rằng tất cả chúng ta đều mang một trái tim nóng hổi và đầy cảm xúc, đều là con người dù ở bất cứ màu da gì hay sao. 

Một nét chấm phá trong tác phẩm này còn nằm ở tính cách nhân vật “bác Tom”- một con người đại diện cho những người nô lệ, dù bị đối xử rất tệ, nhưng vẫn giữ vững một lòng trong sạch, thà chịu đòn, đau đớn chứ nhất định không vấy bẩn lương tâm. Tuy thân thể bị xiềng xích nhưng trái tim bác lại hoàn toàn tự do, bác cầu nguyện với Kinh Thánh không ngừng nghỉ, không chỉ xin cho bản thân mà còn xin ơn tha thứ cho những người bạc đãi mình. Sự có tâm, có tầm của bác Tom đã khiến cho những người xung quanh quý trọng, nể phục nhưng cũng khiến cho tên chủ nô ác độc căm phẫn bác đến tột độ, và dẫn đến một cái kết bi thương cho bác. 

Thượng đế sinh ra con người với quyền được tự do và hạnh phúc. Được sinh ra trên cõi đời này quả thực là một điều vô cùng may mắn! Nhưng, nhiều người lại chỉ vì màu da, chủng tộc của mình đã phải đấu chọi đấu chọi với cuộc đời chỉ để sinh tồn. Chứng kiến cảnh đối xử thậm tệ của người da trắng với nô lệ da đen trong xã hội Mỹ lúc bấy giờ, đau đớn khi mắt thấy tai nghe về những con người bị tước đoạt quyền được tự do và hạnh phúc, Harriet Beecher Stowe đã xuất sắc dùng ngòi bút của mình để lên tiếng tố cáo hành động vô nhân đạo ấy. Hãy thử hòa mình vào Thế giới của những người nô lệ da đen tội nghiệp, hãy thả hồn mình theo những trang sách quý giá ấy, bạn sẽ hiểu rõ được triết lý của cuộc đời. "Tôi đã khóc khi không có giày để đi, cho đến khi tôi nhìn thấy một người không có chân để đi giày". (Hellen Keller)​. 


 Duyenntn

Wednesday, 18 January, 2023




Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[IELTS]- Yêu lại từ đầu

"Bố con cá gai"

"Những tấm lòng cao cả"